Phiên thảo luận 1: Đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng

Phiên thảo luận 1 có chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng” diễn ra sáng 12/11 có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà báo, diễn giả: Đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà báo Ngô Kiên - Tổng Biên tập báo Nghệ An; Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí – VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam;

Phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận 1, Nhà báo Phan Huy Thắng, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Thư ký – Biên tập, Báo Nhân Dân gợi mở: Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới đang đặt báo chí truyền thông chính thống trước những thách thức vô cùng khó khăn. Làm thế nào để chiếm lĩnh “thị trường thông tin”, phủ sóng tới mọi người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại? Chính những đòi hỏi có tính chất sống còn này buộc các cơ quan báo chí phải đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ, quyết liệt để khẳng định vị thế, thích ứng với xu thế mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo lập niềm tin với độc giả.

W_z3874656704151_fda21a1785473eaa8df2807c6ac09de9.jpg
Nhà báo Phan Huy Thắng điều hành phiên thảo luận 1

Phiên thảo luận 1 có chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng” diễn ra sáng 12/11 có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà báo, diễn giả: Đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà báo Ngô Kiên - Tổng Biên tập báo Nghệ An; Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí – VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam;

Các nội dung tham luận tại phiên thảo luận 1

1. Ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng-những vấn đề cần đặt ra.

W_dsc_8409.jpg
Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tham luận tại phiên thảo luận 1

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu quan trọng về công tác xây dựng Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, đòi hỏi công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo Đảng phải có những đổi mới, sáng tạo cả về nội dung, hình thức, cách chuyển tải tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII.

Thời gian qua, các cơ quan báo Đảng đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong đó, đi đầu là Báo Nhân Dân đã có những bước đột phá về chuyển đổi số, nội dung và hình thức các ấn phẩm được cải tiến. Một số báo đã chịu khó cải tiến hình thức, đầu tư công nghệ, tài chính như Báo Quảng Ninh, Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Báo Hà Nội mới,…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn một số cơ quan báo Đảng chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, cách thức, nội dung tuyên truyền còn khô cứng, thiếu hấp dẫn.

Nhiều cơ quan báo Đảng địa phương chưa phát huy được vai trò đi trước mở đường trong thông tin tuyền truyền các vấn đề đi trước ở địa phương. Chính báo Đảng địa phương phải là người chủ động xin thông tin, tuyên truyền về các vấn đề, nhất là các vấn đề được dư luận quan tâm.

Các báo Đảng đang đưa tin theo một không gian địa lý, chưa có sự liên kết với các địa phương khác làm thông tin thiếu sự sinh động.

Thông tin một chiều, tính chiến đấu tính phản biện không cao, nặng về tô hồng, ca ngợi.

Người làm báo Đảng địa phương vẫn còn theo lối mòn, vẫn văn bản hóa báo cáo hóa các bài báo, tác động lan tỏa chưa cao.

Nhiều cơ quan chưa được quan tâm đầu tư, hiện đại hóa nền tảng công nghệ, vẫn chưa nhìn nhận thẳng vào vị trí của báo giấy, vẫn dựa vào báo giấy hơi nhiều.

Để có những bước đột phá quan trọng trong đổi mới sáng tạo về tuyên truyền lĩnh vực xây dựng Đảng, một lĩnh vực vốn được đánh giá là “khó, khô, khổ”, tôi xin nêu một số vấn đề gợi mở để các đồng chí tham khảo, nghiên cứu và thảo luận:

Các cơ quan báo Đảng địa phương tiếp tục rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị của đội ngũ những người làm các cơ quan báo Đảng.

Cần thay đổi tư duy từ lãnh đạo. Đặc biệt bỏ cơ chế làm thay, bao cấp.

W_dsc_8416.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận 1.

Báo Đảng thực sự phải là tài liệu thiết yếu của mỗi tổ chức Đảng,
phải cung cấp trước tiên các thông tin quan trọng, phản ánh tâm tư của người dân, doanh nghiệp.

Cân đối các thông tin về tuyên truyền chính sách với các thông tin đời sống dân sinh.

Cần tăng tính phản biện mạnh mẽ, không tô hồng quá mức.

Quan tâm đầu tư đến công tác con người. Với đội ngũ lãnh đạo làm báo, cố gắng đầu tư quy hoạch người lãnh đạo ngay tại chỗ do làm báo có đặc thù riêng nên cần phải có người làm những công tác tương đồng. Cần đào tạo, bồi dưỡng những phóng viên, biên tập viên ngay tại chỗ.

Đối với yêu cầu đổi mới công nghệ làm báo, các cơ quan báo Đảng cần nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ mới nhất trong quá trình tác nghiệp, sản xuất các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên số. Các tòa soạn báo cần khẩn trương nắm bắt và thực hiện công tác chuyển đổi số đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi mới trong tác nghiệp và xuất bản. Tích cực sử dụng các công nghệ truyền thông mới để mở rộng các hình thức thông tin nhằm lan tỏa hiệu quả thông tin chính thống tới độc giả, khán giả, thính giả.

2. Nhà báo Ngô Kiên - Tổng Biên tập báo Nghệ An: Những khó khăn trong việc triển khai đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng tại địa phương.

W_z3874479856908_60b856a8d55cf1b9ea1034cd3e4a5c33.jpg
Nhà báo Ngô Kiên - Tổng Biên tập Báo Nghệ An trình bày tham luận tại phiên thảo luận 1

Có 4 lý do khiến các báo địa phương phải đổi mới. Đó là: Báo chí thế giới và trong nước đổi mới và tiến xa; Độc giả đổi mới, xu hướng độc giả thay đổi chóng mặt, liên tục; Công tác Đảng mới, thực tiễn vận động xã hội, nhanh; Khủng hoảng truyền thông, dư luận xã hội ngày càng phức tạp; Các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng nhiều, cạnh tranh khốc liệt.

Muốn đổi mới phát triển thì phải xác định được những thuận lợi và khó khăn ở các khía cạnh về nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ và kỹ thuật, độc giả cũng như lãnh đạo cơ quan báo chí, chuyển đổi số. Bên cạnh đó cần xác định khó khăn đến từ hệ thống chính trị, từ địa bàn tác nghiệp, môi trường tác nghiệp.

Những khó khăn, bất cập về mặt nhân lực, biên chế như: Nhiệm vụ ngày càng nhiều, nhu cầu đưa tin, phản ánh, tuyên truyền ngày càng nhiều, nhưng lại phải tinh giản biên chế, phải tinh giản bộ máy. Để khắc phục cần sử dụng lực lượng cộng tác viên, chuyên gia cũng như liên kết với các đơn vị khác. Đồng thời với nguồn nhân lực cũ phải có chính sách đào tạo hoặc tự đào tạo.

Về nguồn lực tài chính: Báo Đảng địa phương không thuận lợi trong việc tiếp cận với những đối tác truyền thông lớn để có nguồn lực lớn. Nguồn lực phụ thuộc vào sự quan tâm, cơ chế chính sách riêng của địa phương. Gần như không có nơi nào giống nơi nào. Có nơi làm nhiều mà nguồn cấp ít, có nơi làm ít nguồn cấp rất tốt. Thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ thay đổi nhanh, nhưng cơ chế chính sách không thay đổi kịp.

Thí dụ tại Nghệ An, đây là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, khu vực tác nghiệp nguy hiểm, địa bàn rộng lớn… nhưng lại không có cơ chế đặc thù về nhuận bút, công tác phí.

Khó khăn về công nghệ, kỹ thuật: các báo Đảng địa phương hiện chưa ưu tiên nguồn lực tương xứng cho báo điện tử; Hệ thống phần mềm của các báo Đảng địa phương ít được nâng cấp thường xuyên theo xu hướng phát triển hiện đại; Khó khăn trong trong đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống; Chưa hiểu rõ và chưa quan tâm đúng mức việc phát triển các ấn phẩm trên các nền tảng mạng xã hội; Trang thiết bị kỹ thuật thường cũ kỹ, lạc hậu; Việc xin trang bị thường chậm, chờ đợi lâu.

Vấn đề nhận thức tồn tại: Hiện nay vẫn còn một bộ phận độc giả cao tuổi không cổ vũ đổi mới, hoài nghi đổi mới. Do đó phải kiên trì thuyết phục tổ chức họp thông tin. Bộ phận trẻ ít quan tâm báo giấy, báo Đảng.

Bên cạnh đó còn những khó khăn đến từ hệ thống chính trị, từ địa bàn tác nghiệp, môi trường tác nghiệp.

Một số nơi quá trình phát triển nảy sinh nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm, ngại báo chí, né tránh báo chí. Thí dụ, một số nơi mình muốn đổi mới thực tiễn về xây dựng Đảng. Khi tiếp cận những đối tượng phản ánh về mảng tiêu cực họ cũng ngại xuất hiện. Phải nhờ người có uy tín phải thuyết phục họ. Muốn đổi mới thì tăng tính chiến đấu, tăng chống tham nhũng, tiêu cực, tồn tại trong cải cách hành chính. Ở địa phương, đòi hỏi bản lĩnh của ban biên tập phải thể hiện rõ, phải chịu đựng được nhiều áp lực. Hiện nay, cơ quan thường trú đại diện của các tạp chí… khuấy đảo ở địa phương nhiều, các biện pháp răn đe, xử lý thiếu quyết liệt, chưa nghiêm.

Trong vấn đề chuyển đổi số: Một thời gian dài các báo Đảng thiếu mô hình đi đầu để học tập. May mắn thay nay có Báo Nhân Dân với những đổi mới về giao diện, ứng dụng công nghệ... để chúng tôi có thể yên tâm học hỏi.

3. Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí – VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam:

W_z3874647590473_4e4b09c547f610a70666bc5c9a40d8d2.jpg
Nhà báo Tạ Bích Loan trình bày tham luận

Tuyên truyền những ngày lễ, sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước làm sao cho hiệu quả, thiết thực nhất, đến được với người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền giáo dục. Trong thời đại truyền thông đa phương tiện, tuyên truyền cần có sự đổi mới, đi vào lòng người, có sự lan tỏa sâu rộng chứ không phải chỉ thông tin bằng văn bản, giấy tờ, khô cứng, đó là yêu cầu nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng là điều kiện để công tác tuyên truyền được thành công.

Chúng tôi thử đi tìm công thức “tiếp lửa niềm tin”- tuyên truyền giáo dục hiệu quả trong các chương trình sự kiện truyền hình trọng điểm của đất nước.

Nghiên cứu truyền thông cho thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin của mỗi cá nhân là sự kết hợp giữa lợi ích của cá nhân trong chủ đề và sự thiếu thông tin về vấn đề.

Tôi sẽ đề cập đến sự kiện truyền hình lớn được thực hiện trong thời gian qua là Cầu truyền hình Ánh sáng niềm tin – thực hiện nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với những chương trình sự kiện trọng điểm của đất nước, các chương trình chính luận lịch sử thường gặp hai thách thức liên quan đến hai khía cạnh: Một là sự kiện của đất nước mang tầm vóc lớn, có tính khái quát không thể đáp ứng ngay những nhu cầu thông tin cá nhân sát sườn như các vấn đề dân sinh, kinh tế, xã hội, an toàn, sức khoẻ…

Khía cạnh thứ hai, những đề tài lịch sử và chính luận càng có độ lùi xa về thời gian thì càng được khai thác và nhắc lại nhiều lần, nên hầu như công chúng không thiếu những thông tin chủ yếu về nhân chứng và sự kiện trong các đề tài đó.

Xét từ góc độ lý thuyết truyền thông, nêu bật thông tin là một cách thức gây ảnh hưởng và thuyết phục công chúng.

Nêu bật thông tin liên quan đến việc sử dụng nhiều phương pháp báo chí, nghệ thuật như phép ẩn dụ, kể chuyện, lựa chọn từ ngữ, các yếu tố làm nổi bật khác. Trước khi nói tới bất cứ nguyên tắc nào, chúng ta cùng xem xét nguyên tắc: “cụ thể” mà Bác Hồ đã chỉ rõ.

“Cụ thể” như một tính chất của các sản phẩm tuyên truyền nghĩa là có thể nhận biết, nhận thức được bằng giác quan hay hình dung được dễ dàng. Bản thân các chương trình truyền hình đã có tính hình ảnh và âm thanh thì có phải là luôn thoả mãn yếu tố này không?

Câu chuyện cảm động của một cá nhân về giữ vững niềm tin vào Đảng trong chương trình Cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin”. Nhóm biên tập chọn nhân vật Lưu Chí Hiếu để khắc hoạ. Phong trào chống ly khai Đảng ở Côn Đảo với tấm gương sáng của người Cộng sản Lưu Chí Hiếu đã được đưa vào nhiều tài liệu tuyên truyền. Tuy nhiên, cần cụ thể hoá hơn nữa câu chuyện này để khán giả dễ hình dung khi lịch sử đã lùi xa hơn nửa thế kỷ.

Nhóm đã chọn cách thức tái hiện lịch sử, cùng lời kể cụ thể của hướng dẫn viên Bảo tàng Côn Đảo, lời kể của người con gái, đồng đội. Nhờ đó chân dung của người chiến sĩ cộng sản Lưu Chí Hiếu hiện lên rõ nét sinh động và phóng sự đã đạt được mục tiêu truyền tải về việc giữ vững niềm tin vào Đảng của những người Cộng sản trong bối cảnh khó khăn, nghặt nghèo nhất, giữa lúc cái chết cận kề trong cảnh tù đày ở nhà lao Côn Đảo. Từ đó khơi gợi, đánh thức suy nghĩ của người xem về trách nhiệm thiêng liêng giữ vững lòng tin vào Đảng hôm nay.

Từ chương trình này, chúng ta thấy có 2 cách để thông tin được nổi bật hơn là về mặt vật lý và nội dung. Để nội dung nổi bật hơn, chúng ta hãy xem xét 4 khía cạnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy các cán bộ tuyên truyền trong bài viết nói trên, tuyên truyền phải:

1. Cụ thể,
2. Chân thực,
3. Có mục đích, định hướng,
4. Có cách thức phù hợp.

Một yêu cầu quan trọng với công tác tuyên truyền là tính mục đích, tính định hướng, như trên đã dẫn, Bác Hồ nói: tuyên truyền cho ai, để làm gì là câu hỏi rất quan trọng cần đặt ra khi chuẩn bị tuyên truyền. Không có một chi tiết nào là không có lý do và nếu có những chi tiết không có lý do có nghĩa là bài tuyên truyền có thể đi xa mục đích.

Nội dung thảo luận tại phiên 1

Phần tiếp theo, với sự điều hành của nhà báo Phan Huy Thắng và nhà báo Tạ Bích Loan, các diễn giả thảo luận tại hội trường, đưa ra những ý kiến trao đổi, những ý tưởng để hiện thực hoá mục tiêu đổi mới sáng tạo và nhận diện rõ những khó khăn thách thức, đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng báo Đảng.

Chia sẻ về việc đổi mới sáng tạo của các cơ quan báo chí địa phương hiện nay, bà Đào Phạm Hoàng Quyên, Tổng Biên tập Báo Phú Yên cho biết:

Thời gian qua Báo Phú Yên có những đổi mới sáng tạo, báo tập trung đi sâu vào công tác chuyên môn, mở chuyên mục mới, cải tiến hình thức trình bày ngay sau Đại hội đảng bộ tỉnh, thường trực tỉnh uỷ chỉ đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy định hướng rất sát cho các cơ quan báo chí trong tỉnh về công tác tuyên truyền đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống. Chúng tôi đã mở trên báo chuyên mục: Xây dựng Đảng, Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

Đây là lĩnh vực tuyên truyền rất khó, đội ngũ phóng viên của báo chưa có nhiều kinh nghiệm, báo chưa mời được nhiều chuyên gia công tác lĩnh vực này. Tuy nhiên, đội ngũ phóng viên của báo rất cố gắng, bước đầu đạt được giải thưởng cấp quốc gia và địa phương, có Giải Búa liềm vàng của tỉnh.

Bên cạnh đó, chúng tôi tự bồi dưỡng cho chính mình. Hai năm gần đây công tác bồi dưỡng nghiệp vụ gặp khó khăn do dịch covid-19, nên báo đã luân chuyển cán bộ, phóng viên, những phóng viên trẻ về phòng thư ký toà soạn để các anh chị em có chuyên môn nghiệp vụ giỏi giúp đỡ, với thời gian khoảng 3-6 tháng, nên hiệu quả rõ rệt.

W_z3874731065202_be966d64c72ef68aa45fbb4562378967.jpg

Đồng thời, Tỉnh ủy Phú Yên cũng lắng nghe thấu hiểu khó khăn của chúng tôi nên có lớp bồi dưỡng về công tác tuyên truyền xây dựng Đảng cho tất cả phóng viên, biên tập viên. Nhờ đó, đội ngũ phóng viên đã được tháo gỡ nhiều vướng mắc, kết quả thể hiện ngay ở trên những tác phẩm báo chi được đăng tải sau đó.

Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng cho rằng, câu hỏi “Tại sao chúng ta lại đưa chậm hơn các báo khác?” là một điều trăn trở. Hệ thống các báo Đảng không thua các báo khác về độ nhạy thông tin, về nắm bắt tình hình, kể cả các loại thông tin trên mạng. Nhưng báo Đảng phải là hệ tham chiếu, phải đưa thông tin đạt độ chính xác cao nhất.

Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng rất muốn đưa thông tin trước, nhưng cần qua nhiều khâu kiểm duyệt, thậm chí là có những thông tin cần xin ý kiến rồi mới được đưa. Nhưng nếu đưa nhanh, không qua các cấp duyệt thì dễ gây nhiễu loạn.

Tuy nhiên, độc giả cho dù có đọc thông tin ở đâu thì vẫn quay về hệ thống báo đảng để kiểm chứng, để biết thông tin đó đúng hay là sai. Cho nên phải chậm hơn báo khác, chứ không có nghĩa là tác nghiệp của phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Đảng không bằng các báo khác.

Ông Phong cũng khẳng định: Với vấn đề báo điện tử, chúng ta hoàn toàn làm được chuyện nhanh trong công tác đưa tin. Vì hệ thống báo điện tử của báo đảng chúng ta không thua các báo còn lại, kể cả lượt truy cập cũng không thua quá nhiều. Nhưng độ chính xác phải luôn đảm bảo. Chúng ta tự tin làm được việc đó. Lượt truy cập của hệ thống báo Đảng có thể không nhiều nhưng niềm tin của công chúng đặt vào báo đảng là lớn hơn các tờ báo khác.

Vấn đề thứ 2 là: báo cáo hoá các tin, bài của báo Đảng: Có rất nhiều tình huống mình phải làm, đó là trách nhiệm, phải đăng toàn văn nghị quyết.

Ông Nguyễn Hữu Đổng, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam đã chia sẻ về con đường, hành trình để báo Quảng Nam có một loạt bài chất lượng đoạt giải Búa Liềm Vàng năm 2021.

Ông Nguyễn Hữu Đổng nói: Thực ra, xây dựng Đảng nghe đề tài thì khó, khổ, khô. Có rất nhiều khó khăn cản trở về xây dựng đề tài, ý tưởng, cách viết, làm thế nào đừng để tờ báo thành văn bản hóa, chính trị hóa vì đưa nghị quyết khô khan. Dù có nói về chính trị hay gì khác thì cũng là thân phận con người, phải chạm vào trái tim con người.

W_z3874736851300_1d71be710bf22a6ba85f2964cf683b62.jpg

Tất cả nghị quyết của Đảng vào đời sống phải qua những tấm gương của già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, từ đó giúp đỡ cho vấn đề nhận thức, thay đổi kinh tế đời sống, xóa đói giảm nghèo. Ví dụ như hủ tục của đồng bào vùng cao, từng có quan niệm về con ma rừng có thể ảnh hưởng đến làng, nên họ chôn sống những đứa trẻ. Chính những đảng viên ở vùng cao đã bước qua hủ tục, sẵn sàng chấp nhận trừng phạt để nuôi dạy sinh linh bé bỏng đó.

Quy trình tòa soạn tức là Ban biên tập phải có định hướng đặt hàng thường xuyên cho anh em, chúng tôi quy tụ những cây bút chủ lực. Một năm đặt hàng một số đề tài quan trọng. Ví dụ: Quảng Nam ngoài nghị quyết trung ương là nghị quyết cho vùng đông Quảng Nam, và nghị quyết cho đồng bào miền núi tức là phát triển miền núi. Cụ thể hóa bằng con đường của những đảng viên gương mẫu, tiên phong. Báo Quảng Nam đặt hàng một số sản phẩm để phóng viên thực hiện. Kèm với đặt hàng, chúng tôi phải quy hoạch đất để đăng tải. Tạo các mục, dành đất xứng đáng để đăng tải các tác phẩm đó.

Về cơ chế tài chính, làm sao 1 đề tài khó, khổ, khô kén người biết thì phải đầu tư thích đáng cho người viết. Trong quy chế nhuận bút, chúng tôi đặt nặng 30-50% để tăng khung nhuận bút.

Nếu đi vào vùng cao, tọa độ từ Tam Kỳ đến Tây Giang, khoảng 200km thì nhuận bút phải gấp 3. Có vệt bài đi cả tháng để thực hiện nên phải hỗ trợ tài chính tối ưu cho phóng viên đó.

Tài chính thứ 3, là cơ chế đặc biệt của Quảng Nam. Nếu được giải Búa liềm vàng thì về địa phương thưởng thêm 50% giá trị giải thưởng. Đó là động lực, cơ chế rất hay để phóng viên phấn đấu. Nên tác phẩm búa liềm vàng vừa rồi của anh Ngước, 4 kỳ được thưởng gần 150 triệu. 1 năm người ta đầu tư 1 bài sâu như vậy thì cũng đủ kinh phí để người ta tác nghiệp.

Phó bí thư tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hoà An cũng khẳng định để có báo Phú Yên như hôm nay, các đồng chí đã có sự nỗ lực, cố gắng. Có những vấn đề liên quan đến sự nhạy cảm, chúng tôi luôn hỗ trợ hết sức. Một vụ việc vừa rồi có ảnh hưởng đến lãnh đạo tỉnh, có người hỏi trực tiếp có đưa hay không thì tôi bảo cứ đưa, vì sao không đưa. Nhưng khi đưa phải đưa đủ, đưa trúng. Báo Đảng không phải chỉ đưa cái tốt, không đưa cái xấu. Cần phải đưa nhiều góc nhìn để phát triển hơn.

Còn Phó Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, để đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng, thì sự quan tâm của cấp uỷ là cần thiết. Bắc giang có những cuộc làm việc riêng với báo và cũng yêu cầu tất cả các cơ quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các báo. Khi báo cần cung cấp thông tin gì thì cần cung cấp ngay để nâng cao chất lượng báo chí.

Những ý kiến tại thảo luận đã giúp nhận định rõ hơn những thách thức mà cơ quan báo Đảng đang gặp phải trong quá trình tuyên truyền về xây dựng Đảng. Từ đó, vạch ra những định hướng, cách thức, giải pháp để tiến hành trong thời gian tới, làm sao để nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng Đảng được thuận lợi hơn, tốt với, với ý thức trách nhiệm của những người làm báo chí cách mạng Việt Nam là vì dân phụng sự, vì sự nghiệp đất nước phồn vinh, phát triển.

ĐỌC THÊM