Các diễn giả tham gia thảo luận, gồm: ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; ông Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ); ông Nguyễn Văn Triều, Tổng Biên tập Báo Sóc Trăng; ông Đoàn Hùng Anh - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng; ông Nguyễn Trung Thu - Tổng Biên tập Báo Hà Giang; ông Nguyễn Mạnh Hồng - Tổng Biên tập Báo Kon Tum; Song Hà - Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị-xã hội, Báo Nhân Dân.

Phần 1: Trình bày tham luận
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Tăng cường vai trò dẫn dắt của báo Đảng địa phương trong tình hình mới: bài toán cơ chế hay nguyên nhân nội tại?
Trong bức tranh phát triển báo chí toàn quốc, cả nước hiện có 63 cơ quan báo Đảng địa phương, trong đó có 56 báo thực hiện 2 loại hình báo in và báo điện tử, có 5 báo chưa có báo điện tử (chỉ có trang thông tin điện tử tổng hợp). Về cơ chế chính sách, đa số báo Đảng địa phương tự chủ một phần về tài chính; trong đó, nhiều cơ quan tự chủ hoàn toàn trong chi thường xuyên.
Đánh giá về báo Đảng địa phương, ngoài việc tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, các báo đã có sự đa dạng phong phú về thể loại bài viết; đổi mới về các biểu đạt, ngôn ngữ để khắc phục tình trạng khô cứng.
Toàn bộ báo Đảng địa phương dùng web 1, trong khi thế giới đang tiến tới dùng web 3. Chỉ có 11/63 báo có App để lan tỏa thông tin trên không gian mạng. Hiện có 11/63 báo Đảng có sử dụng nền tảng App.
Đánh giá về thuận lợi, khó khăn, diễn giả cho biết, hệ thống báo Đảng tại địa phươngđược sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy, Thành ủy và lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà các báo Đảng gặp phải là: xu hướng chung là chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn đa phương tiện, dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin.
Ở mô hình này, nhà báo không chỉ là người sáng tạo nội dung mà còn phải là một chuyên gia về công nghệ.
Trong khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tài chính hạn chế, nhân lực làm báo cần được đào tạo lại, bồi dưỡng thêm kiến thức về công nghệ thông tin…
Do đó, diễn giả Nguyễn Thanh Lâm đề xuất một số giải pháp.
Một là, cần xây dựng và củng cố nhận thức mới về vai trò của Nhà nước trong việc chủ động truyền thông chính sách, và thực hiện một phần việc này thông qua báo Đảng. Nhà nước phải là “khách hàng lớn” của cơ quan báo chí, giao thêm nhiệm vụ (cùng nguồn lực, kinh phí) và đặt hàng, qua đó giúp cho hệ thống báo Đảng địa phương có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, có cơ chế thông tin thông suốt trong hệ thống báo Đảng từ Trung ương tới địa phương để hình thành hệ thống báo chí dữ liệu; có sự phân vai trong thông tin tuyên truyền, tránh để tất cả các báo Đảng cùng chung một “phong cách làm nội dung” từ văn phong cho đến đề tài. Nên chăng có ý tưởng tổ chức các báo Đảng địa phương thành các Cụm thi đua để có các nhiệm vụ mang tính chuyên biệt hơn giữa các cụm, vùng.

Ba là, báo Đảng địa phương cần tăng cường vai trò phản biện chính sách theo hướng xây dựng để thể hiện vai trò của Đảng luôn đồng hành cùng Nhân dân, vì lợi ích Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Tăng cường công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường việc xác tín thông tin, phản bác tin giả, tin đưa không đúng bản chất, không khách quan về tình hình địa phương.
Theo diễn giả, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và sẽ tiếp tục làm một số việc sau:
Hiện Bộ đã ban hành Thông tư 18 về định mức kinh tế, kỹ thuật tối đa cho báo in, báo điện tử. Từ định mức này, các báo Đảng cần xây dựng định mức cụ thể cho báo mình (không vượt quá định mức tối đa), xây dựng đơn giá tối đa theo định mức của mình, trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt định mức tối đa cho báo Đảng địa phương. 2 cơ quan ở địa phương có chức năng thẩm định việc này trước khi trình UBND là Sở Thông tin-Truyền thông (thẩm định định mức) và Sở Tài chính (thẩm định đơn giá). Đây là thủ tục bắt buộc để báo có thể nhận được đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành sửa Nghị định 18 về nhuận bút theo hướng bỏ các mức quy định quá cụ thể về nhuận bút cho các thể loại tác phẩm báo chí, sẽ chỉ còn 1 cách tính là theo định mức kinh tế kỹ thuật.
Về chuyển đổi số báo chí, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ 1 Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, kèm theo đó là một kế hoạch chi tiết. Bộ cũng sắp đưa ra một kế hoạch hỗ trợ các báo điện tử giảm đáng kể chi phí cho việc thu chỗ đặt máy chủ, mở rộng băng thông, bảo vệ an ninh an toàn thông tin.
Về đào tạo cho chuyển đổi số báo chí, ông Lâm chia sẻ: Từ năm 2023 sẽ có các chương trình đào tạo trực tuyến trên diện rộng dành cho các cơ quan báo chí kết hợp với kiểm tra, chấm điểm trực tuyến. Tập trung cho chuyển đổi số báo chí và các kỹ năng làm báo trong bối cảnh chuyển đổi số.
.jpg)
Ông Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ): Tháo gỡ về cơ chế, chính sách cho báo Đảng - những tiếp cận và cơ sở lý luận, thực tiễn mới.
Hiện nay việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện tinh giảm biên chế tại các đơn vị, không thực hiện được chế độ hợp đồng lao động, khó quy hoạch cán bộ, khó thực hiện tự chủ, khó xác định vị trí-việc làm…
Dẫn dắt thực tế hiện nay, diễn giả cho biết, về tinh giảm biên chế, tính đến 30/6/2022, giảm được 78.234 người, trong đó, Trung ương giảm được 5.541 người và địa phương giảm được 72.783 người. Tính tổng chung, biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,67%.
Theo diễn giả, hiện việc thực hiện cơ chế tự chủ sự nghiệp chưa đạt yêu cầu, chậm sửa đổi chính sách văn bản pháp luật, việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương còn chậm.

Ông Trần Nghị đề xuất: Với giảm biên chế, cần phải nhận thức đúng về tinh giảm biên chế về số người làm việc và số người đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương.
Đề nghị bộ, ngành, địa phương khẩn trương phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, xác định rõ lộ trình tự chủ phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ và yêu cầu về tự chủ phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ và yêu cầu về tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Từ nay tới cuối năm, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức Hội nghị sửa đổi cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, sửa Nghị quyết 116 và Nghị định 160 về phân loại tự chủ tài chính và dự kiến tháng 12, tháng 1 ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 160.
Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng: Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho Báo Đà Nẵng
Báo Đà Nẵng thành lập ngày 4/1/1997, trên cơ sở chia tách từ báo Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ đó tới nay, Báo Đà Nẵng đã không ngừng xây dựng và phát triển, nỗ lực cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Hiện Báo Đà Nẵng điện tử đã hội tụ nhiều loại hình báo chí như báo viết, báo ảnh, báo hình, báo nói và báo tiếng Anh; có thể sản xuất được các sản phẩm báo chí đa phương tiện, hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ như infographic, multimedia, video clip.
Báo đã phát hành đến cán bộ chủ chốt thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận tại các khu dân cư… Kịp thời thông tin, phản ánh đến nhân dân thành phố những chính sách mới, những chủ trương mới của Đảng, của chính quyền, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, trong hành động để Đà Nẵng vượt qua những giai đoạn khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố đã đầu tư xây dựng trụ sở mới báo Đà Nẵng tại 19 Lê Lợi với kinh phí hơn 36 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 4/2020.
Năm 2022, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Đề án “Chuyển đổi số tại Báo Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm giúp Báo Đà Nẵng phát triển có hiệu quả, bắt kịp xu hướng của thời đại, góp phần thực hiện tốt hơn sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin và dư luận xã hội.
Thường trực Thành ủy đã trực tiếp làm việc với Báo Đà Nẵng và có Thông báo Kết luận số 340-TB/TU ngày 31/8/2022. Trong đó, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ ưu tiên nguồn lực để Báo Đà Nẵng triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền quy định một số nội dung, mức chi đặc thù, tiếp tục rà soát, xây dựng giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Báo Đà Nẵng, cho thuê một phần trụ sở để tăng thêm nguồn thu; tuyển dụng viên chức, sử dụng quỹ nhuận bút và các nguồn thu, từng bước thực hiện tự chủ tài chính.
Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, Báo Đà Nẵng vẫn còn những vướng mắc cần khắc phục. Thứ nhất, về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chức năng, công tác định hướng thông tin có khi, có lúc còn chậm, nhất là trong thời điểm diễn ra những vấn đề có tác động lớn đến đời sống xã hội. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí chưa thật sự chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về những thông tin không chính xác trên báo chí, mạng xã hội giải quyết chưa triệt để.

Bản thân Báo Đà Nẵng còn nhiều tồn tại như: Nội dung chưa thật sự phong phú, hấp dẫn; các bài phóng sự, điều tra, chuyên luận, bình luận chuyên sâu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội còn ít; các bài viết về tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, trong công tác xây dựng Đảng chưa nhiều, tính chiến đấu chưa cao. Giao diện Báo Đà Nẵng điện tử thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là thiết kế bài viết đa phương tiện để có thể tương tác với bạn đọc trên các phiên bản desktop và mobile…
Công tác quy hoạch, xây dựng, tham mưu kế hoạch phát triển các sản phẩm báo chí, nhất là báo in hằng năm chưa sát thực tế, tinh giản biên chế dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực. Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn hạn chế.
Vì thế, theo tôi, báo Đà Nẵng cần chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, các cơ quan chủ quản cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để theo kịp với sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số của báo chí hiện đại. Chú trọng xây dựng môi trường làm việc, văn hóa công sở, tăng cường đạo đức công vụ, đạo đức người làm báo, xây dựng văn hóa, tinh thần làm việc lắng nghe, cầu thị, dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, có chính sách hợp lý để thu hút, giữ chân người tài, xử lý vi phạm, ứng xử không phù hợp của đội ngũ làm báo khi sử dụng và tham gia mạng xã hội.
Phần 2: Thảo luận
Câu hỏi: Trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, các báo địa phương đang vướng mắc chi trả hoa hồng cho các hoạt động quảng cáo. Các báo thực hiện như thế nào đúng với Nghị định 60 về chi trả hoa hồng cho hoạt động quảng cáo với đơn vị hoạt động bằng tiền ngân sách.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm:
Một số cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí nói chung hiện nay đang tồn tại cách làm và hiểu khác nhau thu hút quảng cáo, đặc biệt trong chi trả hoa hồng. Chúng ta không nên làm quá vấn đề này vì có thể xảy ra xung đột lợi ích.
Theo cá nhân tôi nghĩ, nên có giới hạn cho đối tượng được hưởng hoa hồng khi mang hợp đồng quảng cáo về. Khi anh là lãnh đạo một tòa soạn, anh có trách nhiệm đưa các hợp đồng quảng cáo về nguồn lực chung thì không nên nhận hoa hồng.
Các cơ quan báo chí nên bàn tính xây dựng bộ quy tắc ứng xử xem cấp nào trở xuống được nhận hoa hồng quảng cáo, để không vướng quy định nhà nước về chi trả ngân sách.
Câu hỏi: Báo Đảng địa phương miền núi phía bắc đều có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, nguồn thu ít. Qua 2 lần tinh giảm biên chế, đa phần các báo còn lại đội ngũ cán bộ lớn tuổi, quen cách làm báo chí truyền thống. Khi biên chế đóng băng, nguồn lực không có thì các báo Đảng địa phương đang mắc có được nguồn nhân lực đáp ứng việc đổi mới phát triển báo chí đáp ứng xu thế báo chí hiện đại. Tôi đề xuất Chính phủ cần có chính sách ưu tiên với báo Đảng ở miền núi để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm:
Tôi nghĩ chúng ta cần phải khẩn trương kiến nghị với Ban Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương sửa đổi Quy định 338-QĐ/TW Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng không quy định biên chế theo cách như vậy mà chỉ cần quy định phù hợp với mặt bằng quy định pháp luật hiện nay.

Thí dụ, một số báo Đảng địa phương rất đông nhân sự nhưng họ có nguồn thu tự chủ rất tốt và có kinh phí để chi trả cho việc sử dụng lao động không trong viên chức. Báo Sài Gòn Giải phóng là một thí dụ khi họ có tới khoảng 400 nhân sự. Các báo cần học nhau để có cách sử dụng nhân lực.
Các tòa soạn có thể tham khảo cách làm của khối phát thanh-truyền hình trong việc sử dụng nhiều lao động. Cách làm này nếu quy về lao động, vị trí việc làm sẽ không bảo đảm. Nhưng khi các tòa soạn sử dụng nguồn thu tự chủ, khi phê duyệt đơn giá sản phẩm một chương trình, họ sẽ đưa nhiều công đoạn vào chi phí (như viết kịch bản, MC, dẫn chương trình, kỹ thuật… ). Trên cơ sở những mô hình đã làm đúng này, các tòa soạn có thể học hỏi.
Ông Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ):
Dự kiến ngày 24/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trù bị với Trung ương và địa phương xoay quanh vướng mắc về Quy định 338. Chúng tôi mong lãnh đạo các cơ quan báo Đảng sẽ phản ánh với lãnh đạo tỉnh, Ban Tuyên giáo phản ánh trực tiếp sửa Quy định 338 theo phương án nào hợp lý.

Câu hỏi: Về chuyển đổi số, thời gian gần đây báo Đảng địa phương có sự tương tác lớn với Báo Nhân Dân. Vì thế, báo Đảng địa phương mong muốn được Báo Nhân Dân chia sẻ kinh nghiệm và chia sẻ data để chúng tôi có thể chuyển đổi số từ nhận thức tới hành động. Với việc chuẩn bị cho chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp gì cho báo Đảng thực hiện nhanh, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm:
Chuyển đổi số cần phải bàn đến chuyển đổi cách làm chứ không phải viết bài báo sử dụng công cụ kỹ năng hiện đại.
Nếu lấy kết quả làm thước đo, thì quan trọng nhất là phải đạt kết quả đưa nội dung báo chí chính thống lên không gian mạng để dẫn dắt dư luận. Nhưng để đạt kết quả đó, máy móc công nghệ chỉ là 1 phần. Câu chuyện chính ở đây là làm thế nào để việc đưa thông tin lên nền tảng mạng mà không bị giảm tương tác, làm thế nào đầu tư kinh phí để giúp báo chí tăng lượng tương tác trên mạng xã hội.
Hiện nay, việc chi ngân sách chi trả cho việc tăng lượng tương tác trên mạng xã hội còn vướng về cơ chế. Về chính sách, trong đầu tư chuyển đổi số, một số cách xác định thẩm định giá chưa đầy đủ, có rủi ro cho người làm đầu tư. Do đó, hiện nay việc này buộc phải có bước đi phù hợp. Rút ngắn chuyển đổi số cần sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ thì chúng ta buộc phải làm tốt bảo vệ an ninh, an toàn thông tin.
Về hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, thay vì hỗ trợ cơ chế, chúng tôi công bố chương trình hỗ trợ các báo điện tử về hosting miễn phí với giá bằng 0. Đây là mô hình hợp tác phát triển để phát triển hệ sinh thái nội dung số.
Về hỗ trợ nguồn thu từ quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố giải pháp: cấm quảng cáo trên không gian mạng trên trang thông tin điện tử không được cấp phép, có biểu hiện vi phạm pháp luật, mà những quảng cáo đó chỉ đi vào hệ sinh thái nội dung số Việt Nam là các báo điện tử, trang tin điện tử được cấp phép.
Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo TP Đà Nẵng:
Đề án chuyển đổi số của Báo Đà Nẵng mới được ban hành, với kinh phí hơn 16 tỷ đồng, đang được các cơ quan chuyên môn thẩm định. Cân nhắc việc đầu tư ưu tiên cho phần cứng, phầm mềm, đào tạo con người… hay đầu tư xây dựng hạ tầng cho các ấn phẩm điện tử. Trước hết, cần thực hiện đúng quy định về đầu tư, đấu thầu, đồng thời cần xác định và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tránh lãng phí, tiêu cực..
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân:
Chúng ta nên làm rõ khái niệm số hóa và chuyển đổi số. Chúng tôi cho rằng, đa số cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay chứ không chỉ cơ quan báo Đảng đang làm báo in trên nền tảng điện tử. Tức là vẫn nội dung và ảnh như vậy và đặt lên nền tảng điện tử trong khi các báo điện tử phải khác vì báo nằm trên nền tảng điện tử đòi hỏi sự tương tác. Chúng ta chưa làm báo điện tử đúng cách, chứ chưa nói rằng chúng ta chuyển đổi số.
Về mạng xã hội, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong phát triển mạnh báo chí trên mạng xã hội. Tôi thấy, đa phần cơ quan báo chí giao cho một bạn phóng viên, biên tập viên phụ trách fanpage sẽ làm việc đơn giản là gửi link báo lên fanpage, nhưng thực tế không ai xem. Thực tế, mỗi mạng xã hội có ngôn ngữ khác nhau. Do vậy, chúng tôi phải nói bằng ngôn ngữ trên mạng phù hợp. Bởi vậy, chúng tôi mời đội ngũ chuyên nghiệp vào, ngồi với Ban Điện tử dạy kỹ năng làm nội dung, cách thức làm thông tin trên mạng xã hội, trên fanpage.
.jpg)
Đây là thời buổi không phải hữu xạ tự nhiên hương, mà phải làm sao đưa được những tác phẩm đó đến tận độc giả. Vì thế, chúng tôi phải bỏ tiền thúc đẩy tin trên mạng xã hội và duy trì đều đặn đội ngũ hỗ trợ này và phải biết cách mới giữ được người đọc trên mạng xã hội. Chúng ta phải đưa đội chuyên nghiệp vào đào tạo, huấn luyện cho phóng viên làm nhiệm vụ này.
Hiện chúng tôi làm nội dung trên mạng xã hội như Fanpage, Tik Tok… Chúng tôi cũng duy trì hợp tác lâu dài với các đối tác để hỗ trợ cho báo duy trì nội dung trên mạng xã hội. Vì thế, chúng ta phải đầu tư cho những người làm nội dung trên mạng xã hội.
Về chuyển đổi số, tiền chỉ là sự khởi đầu, việc tính toán đầu tư vào cái gì rất quan trọng. Công nghệ có thể phù hợp với từng báo, có công nghệ chúng ta có thể chưa biết cách sử dụng hết giá trị. Rồi việc đào tạo con người làm sao sử dụng công cụ như vậy.
Khi chúng tôi mua công cụ E-magazine về Báo Nhân Dân, tôi đích thân tự làm 15 bài đầu tiên. Sau đó, các anh em phóng viên sử dụng rất thành thạo. Thay vì việc đào tạo đội ngũ công nghệ và trả lương hằng tháng cao để dựng bài E-magazine, thì đơn giản chúng tôi mua công cụ ở nước ngoài về với chi phí rất rẻ. Trước đại dịch, phóng viên, biên tập viên không biết làm đồ họa tương tác là gì. Nhưng chúng tôi mua công cụ với chi phí rẻ, chỉ cần nhập dữ liệu là đồ họa chạy. Các phóng viên, biên tập viên có thể tự dựng các bài E-magazine, có thể 1 ngày sản xuất 1 bài thay vì vài ngày mới sản xuất một bài như trước.
Hiện nay, Công làm tool này công bố, hiện Báo Nhân Dân đang đứng ở top 3 sử dụng nhiều và hiệu quả nhất. Khi sản phẩm làm đẹp về text, ảnh, video sẽ giữ chân người đọc ở lại bài 3, 5 10 phút. Hiệu quả trang web đo xếp hạng, pageview không phải yếu tố quan trọng nhất mà thời gian lưu trên trang web càng lâu càng hiệu quả. Vì thế, khi người ta vào công cụ đo lường Báo Nhân Dân, time longsite - tức là thời gian bạn đọc ở lại trang web khoảng 5-6 phút là rất cao trong khi trước đó chỉ 1 phút. Chúng tôi khuyến khích các báo địa phương cũng nên làm như vậy.
Sau khi sử dụng hiệu quả tool này, chúng tôi cũng đã thương lượng để công ty bán tool này cho hệ thống báo Đảng. Chúng tôi liều đưa ra con số với 30 triệu đồng cho cơ quan báo Đảng, chúng tôi bảo đảm 20 tờ báo sẽ sử dụng thường xuyên, hiệu quả. Hiện có một số báo Đảng sử dụng tool này với giá rất rẻ mà hiệu quả rất cao. Báo Nhân Dân một năm làm 300 bài E-magazine, rất hiệu quả.
Về câu chuyện phần mềm công cụ, hiện có nhiều công cụ hay nhưng chúng tôi không đầu tư vì chưa phù hợp. Có những công cụ người khác dùng rồi mình không nhất thiết dùng lại. Có những công cụ rẻ tiền nhưng rất hiệu quả. Tôi xem nhiều đề án chuyển đổi số liệt kê nhiều về chi phí đầu tư, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu trong tất cả thứ khác đi theo nhiều khi không đo đếm được là đào tạo, kỹ năng mềm...
Báo Nhân Dân 1,5 năm qua đầu tư cho chuyển đổi số đầu tư rất ít, nhưng hiệu quả hơn rất nhiều. Công cụ E-magazine đưa về rất nhiều đơn vị Ban Điện tử, các ấn phẩm, các ban chuyên môn triển khai nên rất hiệu quả.
Chuyển đổi số ở Báo Nhân Dân không chỉ dừng ở sản xuất nội dung. Chúng tôi đã thử nghiệm và chắc trong tháng sau triển khai mô hình tòa soạn tích hợp, kêu gọi công việc điều hành trên điện thoại. Mọi văn bản chuyển đi-đến sẽ áp dụng hệ thống điều hành trên điện thoại, sẽ giảm chi phí văn phòng phẩm. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm phần mềm trí tuệ nhân tạo quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng của Báo Nhân Dân với 63 trụ sở tại các tỉnh, thành phố và 6 cơ quan thường trú ở nước ngoài. Hệ thống này quản trị từ hệ thống văn bản, sổ đỏ, quy trình sửa chữa...