Phiên thảo luận 3: Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng

Nằm trong khuôn khổ hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc, Hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng” đã chính thức diễn ra sáng 12/11.

Tới dự và chỉ đạo hội thảo có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Hội thảo cũng có sự góp mặt của các nhà quản lý, nhà báo, diễn giả: Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng; Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Đà Nẵng, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng; Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong; Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh truyền hình Bình Phước và báo Bình Phước; Hữu Việt, Vụ trưởng, Trưởng Ban Văn hóa-Văn nghệ, Báo Nhân Dân; Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân; Đỗ Doãn Hoàng, Phóng viên báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay…

W_truong-ban-tuyen-giao-tu-nguyen-trong-nghia-va-cac-dai-bieu-du-phien-thao-luan.jpg
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và chỉ đạo hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà báo Hữu Việt nhận định: Báo chí truyền thống hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức và sự cạnh tranh gay gắt của truyền thông đa nền tảng như hiện nay. Để thích ứng và phát triển, bên cạnh việc theo kịp sự phát triển của công nghệ truyền thông, thì các cơ quan báo chí nói chung và báo Đảng nói riêng cần phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung theo xu hướng làm báo hiện đại.

W_dc-tran-huu-viet-truong-ban-van-hoa-van-nghe-bao-nhan-dan-phat-bieu-de-dan.jpg
Nhà báo Hữu Việt phát biểu đề dẫn hội thảo.

“Chỉ có nâng cao chất lượng nội dung thì các cơ quan báo Đảng mới duy trì được vị thế là công cụ chủ lực của Đảng về công tác tư tưởng, là kênh thông tin chính thống và là cầu nối của Đảng với dân”, nhà báo Hữu Việt nhấn mạnh.

Các nội dung tham luận của các diễn giả

Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng: Báo Đảng phải đi đầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng

    Mở đầu phiên tham luận, ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng đã có tham luận với nội dung: Báo Đảng phải đi đầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng.

    Theo ông Trường, trong bối cảnh mới, báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng đang phải đối mặt với bài toàn khó để có thể giữ chân bạn đọc, đồng thời làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Diễn giả đến từ thành phố Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn đưa ra những hạn chế của các báo Đảng hiện nay như: Thông tin trên báo Đảng nói chung còn nặng về tính chính trị, thông tin hội họp; hình thức thể hiện đơn điệu, khô khan; khó khăn trong mở rộng đối tượng bạn đọc trước sự cạnh tranh của mạng xã hội. Ngoài ra, các báo cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực ở tất cả các vị trí…

    W_pho-tong-bien-tap-bao-sai-gon-giai-phong-pham-van-truong-trinh-bay-tham-luan.jpg
    Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng trình bày tham luận tại hội thảo.

    Căn cứ trên những hạn chế trên, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng cho rằng: Báo Đảng cần phải đi đầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng. Để thực hiện điều này, diễn giả đưa ra một số biện pháp.

    Trước hết, các tờ báo Đảng cần tiếp tục bám sát tôn chỉ mục đích, xác định giá trị cốt lõi là trở thành kênh thông tin xác thực, trụ cột, kịp thời, đáng tin cậy… không chỉ của cán bộ đảng viên mà của rộng rãi bạn đọc. Các báo cần tăng cường tính Đảng, tính phản biện, phát hiện và đấu tranh kịp thời với những biểu hiện sai trái, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng tiêu cực trong cán bộ đảng viên cũng như trong đời sống xã hội.

    Bên cạnh đó, các tòa soạn cũng phải chú trọng phát hiện, lan tỏa những thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt, truyền cảm hứng, hướng người đọc đến những giá trị chân, thiện, mỹ...

    Phóng viên, người làm báo Đảng phải nắm chắc, am tường các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và thể hiện sâu rộng, kịp thời trên mặt báo bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động.

    Các báo Đảng cần đầu tư mở rộng, đa dạng hóa các chuyên trang chuyên mục liên quan đến đời sống, việc làm, giải trí, tâm tư tình cảm… của bạn đọc bằng nhiều hình thức đa phương tiện (trên cả báo giấy, báo điện tử).

    W_cac-dai-bieu-du-phien-chuyen-de-3-1.jpg
    Các đại biểu tại hội thảo.

    Các báo Đảng cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số của cơ quan báo Đảng, trong đó có việc tận dụng tối đa ưu thế của các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như những thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động; đồng thời có kế hoạch, lộ trình tuyển chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ người làm báo hiện đại “chuẩn, chất”, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ ở tất cả các vị trí công việc.

    Các cơ quan báo Đảng cũng cần có kế hoạch, chiến lược để tiếp cận và giữ chân thế hệ bạn đọc mới, các lớp độc giả kế cận (trẻ).

    Diễn giả cũng đề xuất: Để thực hiện các mục tiêu kể trên, báo Đảng luôn cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chủ quản cũng như các cơ quan hữu quan để giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính, phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt hỗ trợ các báo trong thực hiện chuyển đổi số.

    Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Phóng viên Báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay: Phóng sự điều tra báo chí – hai mặt của sự cám dỗ

      Cũng tại phiên thảo luận, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã có những chia sẻ về những cạm bẫy trong khi thực hiện Phóng sự Điều tra. Dựa trên những kinh nghiệm cá nhân trong quá trình tác nghiệp, cây phóng sự kỳ cựu đã đặt ra một loạt vấn đề hóc búa liên quan đến cách thức ứng xử với nguồn tin, thái độ của người thực hiện tác phẩm điều tra; cách giữ thái độ khách quan trong khi tác nghiệp.

      Khẳng định phóng sự điều tra là “trọng pháo” của báo chí, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng phân tích những thế mạnh của thể loại đặc biệt này trong việc theo đuổi sự thật, nâng cao vai trò của báo chí trong phản biện xã hội.

      Bằng những kinh nghiệm thực tế của mình, diễn giả đã chỉ rõ những cám dỗ - “viên đạn bọc đường” dành cho những người làm báo điều tra trong suốt quá trình tác nghiệp, từ quá trình tiếp nhận-khai thác thông tin, triển khai, tác nghiệp đến cả ngay khi loạt bài đã thành công.

      W_nha-bao-do-doan-hoang-2.jpg
      Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ tại hội thảo

      Cũng trong bản tham luận của mình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng đưa ra nhiều gợi ý liên quan đến quá trình tác nghiệp khi tiến hành điều tra.

      Theo ông Hoàng, để nâng cao chất lượng báo chí điều tra trong báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng, trước hết, người làm điều tra cần có bề dày kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp liên tục được trau dồi qua thời gian. Ngoài ra, người viết cũng cần táo bạo, quyết liệt, quyết liệt truy vấn đề tới tận cùng, dám đối mặt. Đặc biệt, người cầm bút cũng cần phải tự biết cách bảo vệ mình trước các nguy cơ, thủ đoạn của người bị điều tra, tố cáo.

      “Đạo đức của người làm báo điều tra, còn là vấn đề đi đến cùng sự việc, tạo hiệu ứng xã hội tích cực cho vấn đề mà báo chí đặt ra. Nói khác đi, “làm gì đó tích cực cho xã hội” là thước đo quan trọng bậc nhất cho phẩm cách của một ngòi bút điều tra nói riêng; và của toà báo, nền báo chí nói chung”, diễn giả nhận định.

      Nhà báo Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Đà Nẵng, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng: Thuận lợi, khó khăn và giải pháp khẳng định vai trò, vị thế báo Đảng.

        Tiếp theo những chia sẻ của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Đà Nẵng, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng đã chia sẻ tham luận: Thuận lợi, khó khăn và giải pháp khẳng định vai trò, vị thế báo Đảng.

        Chủ tịch Hội Nhà báo Đà Nẵng đã chỉ ra một loạt những thuận lợi cho báo Đảng nói riêng, báo chí nói chung.

        Thứ nhất, công nghệ hoạt động báo chí được đổi mới nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, từ vấn đề trang thiết bị tác nghiệp, cách thức thu thập thông tin đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào cho các tòa soạn.

        W_cac-dai-bieu-du-phien-thao-luan.jpg
        Các đại biểu tại hội nghị.

        Thứ hai, hoạt động chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhờ quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được nâng lên cấp chiến lược.

        Thứ ba, Báo Đảng từ trước đến nay nhận được lợi thế từ nguồn thông tin chính thống, sự định hướng tuyên truyền từ Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các địa phương và sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ngành. Chính lợi thế này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho báo thực hiện các tác phẩm báo chí nhanh nhạy, chính xác, có tính định hướng, lan tỏa kịp thời đến với cán bộ, nhân dân.

        W_chu-tich-hoi-nha-bao-da-nang-tong-bien-tap-bao-da-nang-nguyen-duc-nam-trinh-bay-tham-luan-1.jpg
        Diễn giả phát biểu tại hội thảo.

        Bên cạnh những thuận lợi, diễn giả cũng đưa ra những khó khăn, thách thức đối với báo Đảng. Cụ thể:

        Việc trang bị các phương tiện tác nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào khoản đầu tư của ngân sách nên đôi lúc không kịp thời. Các chế độ chính sách chưa linh hoạt nên khó thu hút, giữ chân phóng viên giỏi.

        Thông tin trên báo Đảng trong nhiều trường hợp chậm do quy định nghiêm ngặt. Cách tổ chức tiếp cận nguồn tin, xử lý thông tin còn nặng về việc lệ thuộc nội dung văn bản nên thiếu tính sáng tạo, cách thể hiện thiếu hấp dẫn.

        Cũng tại phiên làm việc, nhà báo Nguyễn Đức Nam đã nêu ra một số giải pháp để phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn.

        Thứ nhất: Cần đánh giá lại thực tiễn hoạt động của Báo Đảng để chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp; tiếp tục có kế hoạch dài hạn để đào tạo đội ngũ vững vàng về quan điểm chính trị, đạo đức lối sống và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Thứ hai: Tổ chức tốt công tác tiếp cận thông tin để một mặt nâng cao tính cạnh tranh về sự nhanh nhạy thông tin, mặt khác tổ chức các tuyến bài viết có chiều sâu, phân tích, luận giải, lan tỏa mạnh mẽ các vấn đề lớn của địa phương mà dư luận đang quan tâm.

        Thứ ba: Đặc biệt, nguồn tin trên báo Đảng phải chính xác, có chọn lọc và có định hướng. Thông tin trên mạng xã hội tạo ra những dòng chảy dư luận rất phức tạp, thì thông tin trên báo Đảng phải bảo đảm tính xác thực.

        Thứ tư: Người làm báo Đảng phải đi trên đôi chân: Pháp luật và Đạo đức.

        Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân: Những đổi mới của báo Nhân Dân theo xu hướng chuyển đổi số

          Tiếp theo, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử có tham luận: Những đổi mới của báo Nhân Dân theo xu hướng chuyển đổi số.

          Trong thời gian vừa qua, Báo Nhân Dân đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các loại hình: Báo in, Truyền hình, Báo điện tử và Mạng xã hội.

          Cụ thể, với báo in, Báo Nhân Dân đã tăng thông tin thời sự dân sinh; tăng tính hấp dẫn, cụ thể trong các chủ đề xây dựng đảng, chính sách; đẩy mạnh nội dung chuyên sâu, chuyên đề; nâng cao chất lượng ảnh; giảm số lượng tin vắn. Cách thức trình bày cũng được đổi mới: Thiết kế chia khối mạch lạc, làm nổi bật tâm điểm…

          W_pho-truong-ban-nhan-dan-dien-tu-ngo-viet-anh-trinh-bay-tham-luan-6.jpg
          Nhà báo Ngô Việt Anh trình bày tại hội thảo.

          Đối với truyền hình, các chương trình chính luận đã được đầu tư sâu, trong đó nổi bật có các nội dung về xây dựng Đảng trên sóng. Đặc biệt, Truyền hình Nhân Dân đã ra mắt kênh Youtube thứ hai với tên “Đảng với Dân”.

          Truyền hình Nhân Dân cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất chương trình với hệ thống trường quay ảo hiện đại; áp dụng đồ họa mô phỏng vào các chương trình phát sóng hàng ngày.

          Trang web Nhadantv.vn ngoài phát sóng trực tiếp tín hiệu còn cắt nhỏ các video clip để khán giả xem clip theo tùy chọn.

          W_pho-truong-ban-nhan-dan-dien-tu-ngo-viet-anh-trinh-bay-tham-luan-7.jpg
          Nhà báo Ngô Việt Anh.

          Trong năm 2022, truyền hình Nhân Dân đã phát sóng trực tiếp 4 chương trình giao lưu nghệ thuật lớn là Xuân ấm, Chung một dòng sông, Cõi thiêng Đồng Lộc, Truông Bồn – Bản hùng ca huyền thoại.

          Đối với Báo điện tử (nhandan.vn), các sự kiện luôn được cập nhật theo nguyên tắc: Tin ngắn ban đầu-Chùm ảnh-Tiếp tục cập nhật tin ban đầu. Báo Điện tử Nhandan.vn cũng tiến hành live các sự kiện quan trọng. Ngoài ra, Nhandan.vn cũng ứng dụng báo chí dữ liệu, báo chí đa phương tiện, báo chí giải pháp với các công cụ hiện đại tích hợp.

          Một trong những sản phẩm đặc biệt nhất của Nhân Dân điện tử là chuyên mục Báo chí chuyên sâu, trong đó triển khai các chủ đề sâu về sự kiện, nhân vật, địa danh… được bạn đọc quan tâm.

          Ngoài ra, báo Nhân Dân điện tử cũng áp dụng các công cụ đo lường: Phối hợp đối tác Chartbeat xây dựng công cụ đánh giá tập độc giả, thói quen, nhu cầu bạn đọc; qua đó sắp xếp tin tức phù hợp theo nhu cầu của bạn đọc.

          Đồng thời, báo Nhân Dân cũng áp dụng mạng xã hội: Phát triển đa nền tảng: Facebook, Tik Tok, Youtube; xây dựng các bộ nhận diện trên mạng xã hội; ngôn ngữ và tương tác gần gũi.

          Phiên thảo luận

          Phần tiếp theo, các diễn giả cùng tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.

          Trả lời câu hỏi của nhà báo Hữu Việt về thực trạng nhiều độc giả trẻ không mặn mà với báo chí, nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng: Để khắc phục điều này, báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng trước hết phải kể được câu chuyện của độc giả.

          W_toa-dam-ban-tron-phien-3-1.jpg
          Phiên thảo luận tại hội thảo.

          "Nếu độc giả không thấy câu chuyện của họ, họ sẽ không quan tâm", nhà báo Lê Minh Toản nhấn mạnh.

          Đồng thời, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng cho rằng: Để thu hút độc giả trẻ, trước hết bản thân các tờ báo phải thường xuyên đổi mới, về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.

          W_toa-dam-ban-tron-phien-3.jpg
          Nhà báo Lê Minh Toản trao đổi thảo luận tại hội nghị.

          Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình báo chí đa phương tiện tại Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước, nhà báo Nguyễn Thị Minh Nhâm thừa nhận: Giai đoạn đầu tiên cơ quan này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thay đổi tư tưởng. Với quyết tâm từ lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng như đội ngũ lãnh đạo, các cán bộ, biên tập viên, phóng viên..., tòa soạn tại Bình Phước đã đạt được những thành công bước đầu.

          "Hiện nay, tại Đài Phát thanh-Truyền hình và báo Bình Phước chúng tôi đã có trên 75% phóng viên có thể làm được 4 loại hình báo chí. Chúng tôi cũng không có phòng riêng mà tất cả đều phải làm cho cả 4 loại hình bao gồm báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình", nhà báo Minh Nhâm chia sẻ.

          Cũng tại phiên thảo luận, các nhà báo cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp cũng như quản lý, chuyển đổi số báo chí.

          Báo Đảng phải vừa hướng đến chủ trương, đường lối của Đảng, vừa hướng đến lòng dân

          Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao các phiên thảo luận tại hội thảo.

          Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, các chủ đề đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần này rất trúng và đúng nội dung nâng cao chất lượng báo Đảng nói riêng và hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.

          truong-ban-tuyen-giao-tu-nguyen-trong-nghia-trao-doi-tai-phien-thao-luan-1.jpeg
          Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tổng kết hội thảo.

          Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ đề tại phiên thảo luận rất thực tiễn, có ý nghĩa cho các vấn đề cấp thiết hiện nay. Đồng chí đề nghị Báo Nhân Dân và Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục lan tỏa các kinh nghiệm, ý kiến đóng góp tâm huyết của các diễn giả hôm nay đến các cơ quan báo chí.

          Khẳng định, báo chí cách mạng đều hướng đến mục tiêu cao cả vừa bảo đảm định hướng tuyên truyền, vừa có thế trận, lực lượng để phục vụ người đọc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí cần quan tâm đến tính nhân văn trong báo chí.

          Theo đó, báo chí phải đi sâu, đi sát các lĩnh vực, đặt quan điểm vì lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu trong tiêu chí hoạt động, trên cơ sở đó triển khai đến người đọc các đề tài báo chí cho phù hợp.

          W_truong-ban-tuyen-giao-tu-nguyen-trong-nghia-trao-doi-tai-phien-thao-luan-3.jpeg
          Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: Báo Đảng phải vừa hướng đến chủ trương, đường lối của Đảng, vừa hướng đến lòng dân.

          “Cần xác định viết cho ai, để làm gì, từ đó xác định cách viết như thế nào cho phù hợp từng đối tượng, cách viết cũng cần ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh nghề làm báo Đảng vừa phải hướng đến đường lối, chủ trương của Đảng, vừa phải hướng đến lòng dân.

          Đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục xây dựng lực lượng báo chí tinh nhuệ, rà soát chất lượng đào tạo báo chí, cũng như quy hoạch sử dụng, bố trí hợp lý nguồn nhân lực này trong thế trận báo chí nước nhà hướng đến hội nhập hiện đại.

          Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh báo chí phải quyết tâm, kiên quyết đấu tranh với những cái xấu, giữ gìn sự trong sáng, không để ngòi bút bị bẻ gãy, đồng thời phải quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân. “Việc gì được nhân dân ủng hộ, đồng tình thì sẽ thành công, và các cơ quan báo chí cũng vậy”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định.

          Đồng chí đề nghị cần lan tỏa tinh thần này không chỉ trong các cơ quan báo Đảng, mà trên cả hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, các cơ quan đại diện báo chí ở địa phương cần phải gần gũi với chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân địa phương, không mượn danh tiếng báo Đảng để gây khó dễ cho địa phương, cho người dân, qua đó hoàn thành sứ mệnh cao cả của nền báo chí chung nước nhà, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

          ĐỌC THÊM