Phiên thảo luận 6: Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng

Phiên thảo luận 6 với chủ đề: “Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng” diễn ra chiều 12/11 với sự tham gia của các diễn giả: Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ; Nhà báo Phan Thanh Phong – Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân Dân hàng tháng, Báo Nhân Dân; Bà Lê Thị Bảo Ngọc - Trưởng Ban Hợp tác sản xuất và Phát hành Nội dung Tập đoàn MCV.

Phiên thảo luận 6 với chủ đề: “Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng” diễn ra chiều 12/11 vinh dự được đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tới dự.

z3875058834096_40e3abc92ad372217f98ab19d14a957d.jpg

Phát biểu đề dẫn, Nhà báo Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông gợi mở: Độc giả ở đâu thì báo chí phải ở đấy - đó là nguyên tắc đã được báo chí quốc tế khẳng định. Một trong những slogan gần đây của Báo Nhân Dân là “Ở đâu có nhân dân, ở đó có Báo Nhân Dân” - đó là một chiến lược quan trọng để tiếp cận, giữ độc giả để từ đó đưa thông tin của Đảng và Nhà nước đến với Nhân Dân.

Người đọc đã và đang tiếp tục chuyển dịch từ các nền tảng truyền thống như báo in, truyền hình và cả báo điện tử lên các nền tảng mạng xã hội. Bạn đọc của hệ thống báo Đảng cũng không nằm ngoài xu thế đó, vì thế việc chuyển đổi, đưa nội dung của mình lên các nền tảng mạng xã hội là một việc cấp thiết để nhanh chóng làm chủ thông tin trên không gian mạng.

z3875042551723_ac195689cf974749795c264b5ad27d69.jpg
Nhà báo Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông phát biểu đề dẫn. 

Tại phiên thảo luận này, các đại biểu sẽ trao đổi thảo luận với các diễn giả về cách thức phát triển nội dung để phù hợp với các nền tảng mạng xã hội; phát triển các sản phẩm báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ; những khó khăn và cách thức giải quyết khi phát triển nội dung đa nền tảng, đa phương tiện để tiếp cận công chúng một cách tốt nhất!

Nội dung tham luận 

1. Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ: Chủ động tham gia mạng xã hội truyền thông về chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Trong bối cảnh xã hội số, thông tin số như ngày nay, công tác truyền thông về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; truyền thông chính sách; phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống dịch bệnh ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Truyền thông làm sao để người dân Biết, Hiểu, Đồng thuận, Góp ý trên tinh thần xây dựng, Cùng tham gia là vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng.

Đối với những người làm công tác truyền thông, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phải chủ động, tận dụng mạng xã hội (MXH) để phục vụ cho sự nghiệp của chúng ta. Chúng ta làm chậm thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh và phủ sóng thay các nguồn thông tin chính thống.

z3875052158128_290c3b5714df0177051388501940ed30.jpg
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm phát biểu tại Phiên thảo luận 6. 

Ở Việt Nam hiện nay, Trang Thông tin Chính phủ là một trong những điển hình sinh động nhất về tính hiệu quả, linh hoạt trong việc tận dụng mạng xã hội phục vụ truyền thông về đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…Có thể khẳng định, thời gian qua, trang “Thông tin Chính phủ” trên mạng xã hội Facebook đã góp phần tích cực vào công tác này. Số lượng người theo dõi trang không ngừng tăng và hiện đang có khoảng hơn 3,6 triệu người theo dõi; số lượng tương tác tính trung bình/tuần đến nay khoảng 900.000 lượt; số tin, bài, clip xuất bản trung bình/ngày từ 7-12 tin (cao điểm thời sự là gần 30 tin).

Đặc biệt, trong thời gian kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay và trong suốt quá trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phòng, chống đại dịch, trang Fanpage “Thông tin Chính phủ” đã tăng cường đăng các thông tin về chỉ đạo, điều hành, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các thông tin chọn lọc từ Bộ, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương; các thông tin dịch tễ hữu ích trong nước và quốc tế cho người dân về kinh nghiệm trong phòng, chống dịch...

Trang Thông tin Chính phủ cung cấp chính thống, chính xác, có tính dẫn dắt và định hướng, sinh động trên mạng xã hội, làm tăng hấp dẫn thu hút người đọc, phù hợp với xu thế thời đại và nhu cầu sử dụng mạng xã hội của người dân, góp phần đa dạng hình thức thông tin tương tác giữa người dân với Chính phủ, thể hiện sự minh bạch, năng động của cơ quan công quyền. Lấy cảm hứng từ trang Fanpage này, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã mạnh dạn trong việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin, tạo thêm kênh giao tiếp với người dân, cải cách thủ tục hành chính trên môi trường mạng...

Theo các số liệu từ Crowdtangle (công ty thuộc Facebook) cho biết, xét về độ tương tác, trong 6 tháng đầu năm 2020, trang facebook Thông tin Chính phủ vượt qua trang facebook của một số báo nhiều người đọc nhất Việt Nam. Cứ 10.000 người thích trang Thông tin Chính phủ thì có 85 người tương tác. Trong khi đó tỷ lệ tương tác của một số báo nêu trên chỉ là 0,03%, tức là 10.000 người theo dõi thì chỉ có 3 người tương tác (bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, ấn vào đường link...).

Các trang mạng nước ngoài như fojo.se (Thuỵ Điển), reportingasean.net (được tài trợ bởi một tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông hoạt động tại Philippines và châu Á – Thái Bình Dương) phân tích sâu về những mặt tích cực của Facebook Thông tin Chính phủ và việc Việt Nam sử dụng trang này như là một công cụ hữu ích để truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

Gần 2 năm đại dịch Covid-19 (2020-2021) nên phóng viên nước ngoài gần như không thể vào Việt Nam. Vì thế, báo chí trong nước cùng với những nền tảng mạng xã hội, trong đó có trang “Thông tin Chính phủ” trên facebook đã đóng vai trò to lớn trong việc giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu và trân trọng bản lĩnh, trí tuệ và thành tựu phát triển của Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đồng thời, tạo ra dư luận xã hội tốt trong nước về quan hệ hữu nghị của Việt Nam với bạn bè quốc tế, cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Riêng Chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 tại Anh và thăm chính thức nước Cộng hoà Pháp, trang mạng xã hội facebook Thông tin Chính phủ đã xuất bản hơn 100 lượt tin, bài, clip, chùm ảnh; tổng số lượt người tiếp cận các bài viết về chuyến đi này là gần 39 triệu; tương tác, truy cập của người dùng đã lên tới 1.802.555 lượt. Nhiều báo trong nước đã sử dụng những tư liệu trên để làm tin, bài cập nhật về chuyến thăm. Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tại Hoa kỳ vừa qua, có hơn 57 triệu lượt người tiếp cận các thông tin về hoạt động và kết quả của chuyến đi, trong đó có rất đông bà con Việt Kiều.

z3875052131368_dfe7e0bb9e2a9c688b6761fba35446b4.jpg

Phát huy những kết quả đạt được từ việc vận hành Fanpage “Thông tin Chính phủ” tiếng Việt trên Facebook, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục đưa vào vận hành thêm 3 tài khoản mạng xã hội tiếng nước ngoài phục vụ mục tiêu đối ngoại, gồm tài khoản Twitter Anh (@VNGovtPortal), tài khoản Twitter Tiếng Trung (@VGPzhnews), cùng với Fanpage song ngữ Anh+Trung trên Facebook (@VNGov); đồng thời bắt đầu thử nghiệm vận hành trang Youtube với số lượng người tương tác tăng 130% mỗi tháng. .

Đánh giá về việc ứng dụng các nền tảng số trong truyền thông của Chính phủ 193 thành viên Liên Hợp Quốc, trong Báo cáo công bố năm 2018, trang Twiplomacy có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ xếp Việt Nam là một trong những quốc gia coi trọng và sử dụng hiệu quả nền tảng số để phục vụ công tác thông tin, truyền thông của Chính phủ. Đặc biệt, tài khoản Twitter tiếng Anh @VNGovtPortal được Twiplomacy xếp là một trong 3 tài khoản quan trọng nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, việc chủ động tham gia mạng xã hội không chỉ đơn thuần là lập ra một trang fanpage đại diện cho cơ quan mình để truyền tải các nội dung. Cần hiểu, chủ động tham gia mạng xã hội cũng cần đến việc lắng nghe “hơi thở, tiếng lòng của nhân dân”, những vấn đề mà người dân thực sự quan tâm, có ảnh hưởng sâu sát tới đời sống của họ, đồng thời cần tuyệt đối tránh khuynh hướng “lá cải”, “câu view”, hay “chạy theo” thị hiếu của một bộ phận công chúng…

Thí dụ câu chuyện bánh mỳ xảy ra tại Khánh Hòa trong thời gian giãn cách vì đại dịch, chúng tôi là cơ quan đầu tiên đưa lên mạng xã hội nội dung thông tin chính thống của vấn đề này để người dân hiểu, chính quyền xã, địa phương bình tĩnh và hiểu đúng quy định chống dịch của Chính phủ.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có bộ phận chuyên về dư luận, thông tin báo chí, để có thể nắm bắt các thông tin đời sống dân sinh, vấn đề chính sách để phản ánh, tham mưu kịp thời tới lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. Trong các thông tin được nắm bắt, thông tin trên mạng xã hội là phần nội dung quan trọng. Nhiều chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ từ kết quả tham mưu được lan truyền tích cực trên mạng xã hội. Bộ phận này cũng có trách nhiệm tham gia tổ chức họp báo Chính phủ; xây dựng và phát hành các thông cáo báo chí, thông tin báo chí.

Theo kinh nghiệm từ các phần công việc chúng tôi đã triển khai, việc chủ động tham gia mạng xã hội cần sự an toàn, linh hoạt, nhạy bén, hiệu quả. Tùy từng loại hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, chúng ta cần lựa chọn việc tham gia một cách phù hợp, có thể là lập đại diện trên trang mạng xã hội hoặc không, nhưng việc nắm bắt thông tin trên mạng xã hội là rất cần thiết cho công tác chỉ đạo, điều hành. Nhưng điều nên nhớ, mạng xã hội không thể thay thế chức năng của báo chí, báo chí vẫn là kênh không thể thay thế và luôn cần được chú trọng, thậm chí trong nhiều trường hợp, đây chính là nguồn gốc, “ngòi nổ” cho một số luồng thông tin trên mạng xã hội.

2. Nhà báo Phan Thanh Phong – Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân Dân hàng tháng, Báo Nhân Dân: Phát triển Podcast ở báo Nhân Dân để tiếp cận công chúng.

Khi xu hướng số hóa phát triển mạnh, không chỉ các đài phát thanh mà hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam hiện nay cũng đã và đang chuyển đổi sang công nghệ số. Nếu như chỉ 10 năm về trước, Phát thanh chỉ được sử dụng trong các cơ quan báo chí phát thanh như Đài Tiếng nói Việt Nam; các đài địa phương thì chỉ 5 năm trở lại đây, việc số hóa phát thanh được áp dụng rộng rãi.

baphong.jpg
Nhà báo Phan Thanh Phong – Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân Dân hàng tháng, Báo Nhân Dân trình bày tham luận tại Phiên thảo luận 6. 

Xu thế tiếp cận mới cũng đã buộc các cơ quan báo chí tìm những cách đi mới để tiếp cận và thu hút độc giả một cách nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất. Các nền tảng streamming trên mạng là đích đến của nhiều cơ quan báo chí, bắt đầu bằng các nền tảng nghe nhạc trực tuyến chất lượng cao với hàng triệu người dùng là một trong những cách thức nhiều cơ quan truyền thông lựa chọn để tiếp cận độc giả.

Báo Nhân Dân cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Bắt đầu từ tháng 8-2021, Radio Nhân Dân, kênh phát thanh trên nền tảng số của Báo Nhân Dân, khởi kênh bằng Chương trình Đọc truyện ra đời. Báo Nhân Dân hiện có các ấn bản giấy, điện tử, truyền hình và Radio là kênh non trẻ nhất, sự ra đời của nó đánh dấu một bước trong việc mở rộng các loại hình truyền thông đa phương tiện để tiếp cận độc giả của báo Đảng.

Hiện nay Radio Nhân Dân có các chương trình sau:

- Chương trình Đọc truyện, phát 2 lần 1 tuần, mỗi chương trình kéo dài từ 20-30 phút

- Bản tin thời sự: phát 2 bản tin mỗi ngày vào buổi sáng và chiều, mỗi bản tin 10 phút.

- Chương trình Dân tộc - Tôn giáo phát 1 lần/tuần, mỗi chương trình khoảng 30-40 phút

Các chương trình này được phát chủ yếu dưới dạng Podcast trên đa nền tảng từ các ứng dụng phổ biến đến các kênh nghe nhạc thông dụng được giới trẻ ưa chuộng hiện nay như: Youtube, Apple Podcast, Google Podcast, Spotify, Amazon Music, Soundcloud…

Với lợi thế không biên giới, các chương trình phát thanh trên nền tảng số quốc tế dễ tiếp cận các đối tượng khán thính giả trẻ và người Việt ở nước ngoài - điều khá khó khăn đối với báo in. Thực tế theo dữ liệu, Radio Nhân Dân đã có lượng người nghe xem đáng kể từ Đức, Nhật, Mỹ, Australia, Nga, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Radio Nhân Dân có những khác biệt như thế nào?

- Chương trình đọc truyện dựa trên nguồn truyện khá phong phú của các nhà văn, tác giả tên tuổi viết riêng cho Nhân Dân. Điểm độc đáo của các Podcast chương trình đọc truyện là:

+ Phần đầu chương trình đọc truyện luôn có lời dẫn nhằm giới thiệu sơ lược về tác giả- tác phẩm, có lồng ghép những chia sẻ, cảm nghĩ của chính tác giả khi sáng tác truyện, giúp khán giả cảm giác được gần gũi, tương tác nhiều hơn với tác giả, tác phẩm. Sau mỗi truyện ngắn đều có lời bình của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng giúp người đọc thêm hiểu biết, cảm nhận được cái hay cái đẹp của tác phẩm.

+ Giọng đọc: Sử dụng nhiều giọng đọc khác nhau nhằm đáp ứng gu của đông đảo khán thính giả, đồng thời tăng sự đặc sắc khi giọng đọc thể hiện rõ bản sắc vùng miền của mỗi câu chuyện.

+ Tranh minh họa: Mỗi truyện ngắn đều có tranh minh họa của các họa sĩ tên tuổi của hội họa Việt Nam đương đại. Nhiều minh họa đã được giới chuyên môn nhận xét "như một tác phẩm hội họa thực thụ", thu hút ánh mắt người xem.

Chương trình đọc truyện của kênh Radio Nhandan tuy còn non trẻ nhưng dần đã xây dựng được phong cách riêng và có lượng khán thính giả theo dõi khá ổn định và ngày càng tăng, trên kênh Youtube đã có hơn 1000 subscribers với hàng trăm tới hàng nghìn lượt nghe/xem mỗi truyện. Các kênh còn lại cũng có hàng chục nghìn lượt nghe/xem và tải xuống.

- Chương trình tin tức:

Radio Nhân Dân nhanh chóng bắt kịp xu thế tiếp cận thông tin hiện đại trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

+Về độ dài thông tin: Theo kinh nghiệm trong một năm qua, chúng tôi lựa chọn việc biên tập tin chỉ ngắn từ 30-40 giây cho một thông tin. Nếu như định tính định lượng thông tin trước đây phải đủ 5W+1H thì xu hướng tiếp cận thông tin chỉ cần ít hơn như vậy (tùy từng thông tin). Nhưng bản chất người nghe chỉ cần hiểu sự kiện/sự việc đó là gì, nguyên nhân ra sao. Tóm lại cần ngắn gọn và đủ thông tin.

+ Về khối lượng thông tin: Trong hàng chục thông tin mới trong ngày, chúng tôi đã cố gắng chắt lọc để thời lượng để bản tin chỉ trong khoảng 10 đến 13 phút, tránh gây nhàm chán, mệt mỏi cho người nghe khi tiếp nhận thông tin.

+ Đặt vị trí của biên tập vào người nghe: Trong bối cảnh thông tin đa chiều như hiện nay, việc định hướng cho người nghe những nội dung là điều cực kỳ quan trọng, đặc biệt là với Báo Nhân Dân, bắt kịp xu thế nhưng vẫn cần tuân thủ các tiêu chuẩn chính xác và kịp thời. Vì vậy, thông tin mà mỗi Biên tập viên lựa chọn phải đảm bảo 2 yếu tố: Chính xác và được nhiều người quan tâm.

+ Đa dạng các chủ đề thông tin: chúng tôi cố gắng truyền tải đầy đủ các mặt của đời sống vào bản tin để có thể tiếp cận được với nhiều thính giả hơn, gần gũi hơn và tin cậy hơn.

- Về âm nhạc trong môi trường phát thanh hiện đại: Hiệu ứng từ âm thanh, âm nhạc có yếu tố quyết định đến việc người nghe lựa chọn lắng nghe thông tin, vì vậy, Radio Nhân Dân đã đầu tư nghiêm túc vào việc tạo ra những hiệu ứng âm thanh song song với cung cấp thông tin.

Nghe theo nhu cầu và có thể chủ động tương tác chính là bản chất của các nền tảng phát thanh số, vì vậy vấn đề là việc cơ quan báo chí cần tận dụng được những đặc điểm khác với phát thanh truyền thống đó để có tư duy sản phẩm phù hợp và tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo, chất lượng cao. Muốn vậy, việc tất yếu là phải thăm dò nhu cầu và thị hiếu, chọn được đúng người dùng rồi thì phải lập quy trình để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thậm chí có sự khác biệt rõ ràng so với các sản phẩm cùng thể loại, cùng phân khúc trên thị trường. Sản phẩm đưa ra rồi thì phải nghĩ đến chuyện chăm sóc khách hàng để nắm bắt phản hồi của họ, tiếp tục cải thiện và cải tiến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, phải nghĩ ra những sản phẩm sáng tạo mới, nhắm đến những khách hàng mới, chứ không thể chỉ bám lấy một sản phẩm, cho dù đạt được những thành công nhất định. Đó chính là cái đích mà Radio Nhân Dân hương tới.

Nhân đây chúng tôi cũng xin chia sẻ về một chương trình mới trên Radio Nhân Dân sẽ ra mắt công chúng thời gian tới là Hò hẹn cuối tuần với sự tham gia của những gương mặt nổi tiếng, những người có ảnh hưởng trong xã hội, những người của công chúng … với những câu chuyện, những góc nhìn chưa từng được biết đến…

3. Bà Lê Thị Bảo Ngọc - Trưởng Ban Hợp tác sản xuất và Phát hành Nội dung Tập đoàn MCV: Phát triển nội dung đa kênh, đa nền tảng và những vấn đề đặt ra cho cơ quan báo chí.

z3875119389376_27207d04ae516c62a3bf805ba0c6f2dd.jpg
Bà Lê Thị Bảo Ngọc trình bày tại Phiên thảo luận 6

1/ Xu hướng phát triển nội dung trên đa kênh: Facebook, Youtube, Tiktok:

Trong những năm gần đây, số lượt người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thật sự gia tăng nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê từ DataReportal, tính đến tháng 2/2022, tại Việt Nam có gần 77 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78,1% dân số Việt Nam. Trong đó Facebook có khoảng 70,4 triệu người dùng, Youtube 62,5 triệu. Đặc biệt, là sự bùng nổ của TikTok sau đại dịch Covid với hơn 40 triệu người dùng đã khiến ứng dụng video ngắn trở thành xu hướng giải trí mới tại Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên mạng xã hội.

Theo thống kê này, khán giả thường có xu hướng dùng internet để học tập, nghiên cứu, nghe nhạc, xem phim, giải trí, xem tin tức thời sự, mua sắm.. thông qua mạng xã hội, với thời gian truy cập tới 6 giờ 38 phút mỗi ngày, trong đó có tới 2 giờ 28 phút lướt mạng xã hội, 1 giờ 55 phút đọc tin tức từ báo chí, 82 phút nghe Podcats và radio…

Do đó, các cơ quan báo chí cũng cần phải thay đổi bổ sung trong chiến lược truyền đạt thông tin, ngoài phương thức đưa tin truyền thống, các cơ quan báo đài cũng cần thông tin đồng thời trên nhiều nền tảng trên mạng xã hội, để có thể đưa tin kịp thời, chính thống và đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

Thực tế, từ vài năm trở lại đây, tại Việt Nam, có rất nhiều cơ quan báo chí (Thí dụ như Báo Nhân Dân, báo Người Lao động) đã có mở các kênh mạng xã hội chính thức của Báo để cập nhật thông tin liên tục cho khán giả và đã có rất nhiều độc giả ủng hộ.

Khai thác thế mạnh của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó cũng cần phải bảo đảm yếu tố có giải trí, bởi đây là nội dung quan trọng, góp phần thu hút sự quan tâm của độc giả; xây dựng trung tâm sản xuất video kết nối cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; phát triển nội dung tin tức, bình luận và tương tác trực tiếp… thì mới phù hợp xu hướng, đáp ứng được nhu cầu của khán giả hiện nay.

Ngoài ra, khi thực hiện chuyển đổi số, trong quá trình phân phối nội dung, các cơ quan báo chí có thể đo đếm được hiệu quả hoạt động, nhận được phản hồi trực tiếp của công chúng, từ đó giúp cơ quan lựa chọn được thông tin và cách thể hiện phù hợp với thị hiếu của người xem.

2/ Một số vấn đề cơ quan báo chí gặp phải khi phát triển nội dung đa kênh:

- Vấn đề tuân thủ nguyên tắc nền tảng: Các nền tảng mạng xã hội liên tục bổ sung thêm chính sách mới. Do đó, để bảo đảm kênh phát triển được tốt, khoẻ, và bền vững thì vấn đề quan trọng đầu tiên các đơn vị phải bảo đảm được cập nhật liên tục chính sách mới, và phải tuyệt đối tuân thủ theo quy định của từng nền tảng mạng xã hội.

- Sự khác biệt về định dạng, thời lượng, số lượng, nội dung của các video trên mọi nền tảng: Mỗi ứng dụng mạng xã hội

3/ Quản lý nội dung đa kênh như thế nào?

Cần có giải pháp để làm sao có thể quản lý tối ưu, dễ dàng, hợp lý, nhanh chóng sử dụng trong công việc hàng ngày, đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho nhiều bộ phận trong đơn vị.

- Về kho server lưu trữ dữ liệu: Thời gian lưu trữ dữ liệu ngắn hạn hay dài hạn là tuỳ vào sự tính toán, quyết định của riêng mỗi đơn vị sao cho phù hợp với mục đích cũng như ngân sách đã có của đơn vị mình.

- Báo cáo, đánh giá hiệu quả sản xuất/khai thác nội dung: Hiện nay, xu hướng xem nội dung giải trí, xem tin tức của người dùng có thể thay đổi theo từng phút, từng giờ, từng ngày. Do đó để có thể nắm bắt được thị hiếu của khán giả, các đơn vị cần phải liên tục theo dõi, có các báo cáo số liệu, thống kê, đánh giá liên tục để từ đó có những kế hoạch chi tiết sát sao triển khai trên kênh để có thể đáp ứng được nhu cầu độc giả.

- Thường xuyên tìm hiểu, cập nhật kiến thức về việc quản lý kênh và chính sách-nguyên tắc của nền tảng.

- Kênh phải có định hướng nội dung rõ ràng để thu hút được khán giả và tạo sự yêu thích, tin cậy, trung thành của khán giả với kênh.

Việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận tâm phục vụ cùng những thông tin hữu ích sẽ tạo chất “keo” gắn kết mối quan hệ bền chặt giữa các đơn vị Báo chí với độc giả - khán - thính giảm là giúp gắn kết giữa chính quyền với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ, tạo sức mạnh, động lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.

Phần thảo luận bàn tròn

Với sự điều hành của nhà báo Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông, các diễn giả thảo luận tại hội trường, đưa ra những ý kiến trao đổi, những ý tưởng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng tiếp cận công chúng.

Mở đầu phần thảo luận mở, nhà báo Nguyễn Bá đặt câu hỏi cho nhà báo Nguyễn Hồng Sâm về việc làm thế nào để chuyển tải thông tin nghiêm ngắn lên các nền tảng mạng xã hội phù hợp với mọi đối tượng độc giả, nhất là độc giả trẻ.

dsc_8773.jpg
Các diễn giả và đại biểu tham gia thảo luận bàn tròn. 

Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm: Chia sẻ của một người đang vận hành các nền tảng, trong đó có fanpage Chính phủ với công việc là hằng ngày đăng tải những thông tin về tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, việc làm thế nào để thông tin hay, hấp dẫn có những nguyên tắc sau:

Thứ nhất, cần có công nghệ phải hiện đại, rất hiện đại.

Thứ hai, nội dung chỉ đạo điều hành phải rất súc tích, ngắn, ấn tượng. Trong thể hiện phải bám theo hơi thở cuộc sống (phải bắt trend), những vấn đề rất nóng, thời sự. Chú ý đưa nội dung hồn cốt nhất của văn bản. Thí dụ như sáng nay, chúng tôi đăng tải thông tin về công điện của Chính phủ chỉ đạo điều hành về cung ứng xăng dầu, chúng tôi đã lựa chọn cụm thông tin súc tích nhất: không được để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu bằng mọi giá.

dsc_8736.jpg
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm chia sẻ.

Thứ ba, có người vận hành chuyên nghiệp tận tâm, đam mê, giỏi đồ họa, công nghệ.

Thứ tư, kiểm soát thật tốt bình luận. Để làm được điều này cần áp dụng có thuật toán và kỹ năng xử lý. Nếu không thể kiểm soát tốt thì không nên dùng mạng xã hội vì đây là con dao 2 lưỡi. Chúng ta cần định hướng dư luận, do đó cần có kỹ năng đưa thông tin mồi để thảo luận, bình luận, định hướng. Nếu không có định hướng, thông tin tích cực có thể bị hiểu sai.

Thêm vào đó, chúng ta cần trình bày đẹp mắt, nổi rõ thông điệp của mình.

Câu hỏi tiếp theo là dành cho Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân: Nội dung trên báo Đảng nghiêm ngắn, tại sao khi phát triển Podcast, Báo Nhân Dân lại chọn những chủ đề nhẹ nhàng lên trước.

Nhà báo Lê Quốc Minh: Trước hết, chúng tôi xin chia sẻ là trong một tháng qua, Báo Nhân Dân đang hợp tác với Mobifone phát nội dung Podcast tin tức, đọc truyện mỗi ngày 2 lần trên khoảng 10 nghìn loa ở khắp vùng sâu, vùng xa. Từ hiệu quả của chương trình hiện nay, dự kiến thời gian tới chúng tôi sẽ tăng lên khoảng 100 nghìn loa để đưa thông tin tới đồng bào.

dsc_8757.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ tại phiên thảo luận bàn tròn.

Từ lâu nay khi nói đến đa kênh, chúng ta chỉ nói đến báo in, báo điện tử, phát thanh truyền hình và gần đây trên nền tảng digital. Nhưng gần đây, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua, có nhiều nơi ở thành phố lớn rất khó chịu với loa phường nhưng ở địa phương (vùng sâu, vùng xa) người dân rất cần những loa ấy để phổ biến thông tin. Đại diện Mobifone còn kể là nếu đến giờ chưa thấy, người dân còn nhắc là sao đến giờ này vẫn chưa bật.

Quay về lý do tại sao lại chọn đưa các chương trình đọc truyện trước lên Podcast. Báo Nhân Dân hiện sở hữu khoảng 400 câu truyện độc quyền. Không chỉ là những câu truyện thông thường, mỗi câu truyện lại có bức tranh của các họa sĩ rất đẹp, có lời bình riêng, khác với các cơ quan báo nói khác. Chúng tôi mời giọng đọc nổi tiếng để đọc truyện và mời nhà văn nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều bình luận, tạo nên đặc sắc cho chương trình.

Ban đầu là truyện, sau là làm tin, sử dụng đội ngũ truyền hình để làm tin. Cho đến nay, việc nghe Podcast đã trở thành thói quen cho những người đi làm. Sau này chúng tôi sẽ làm những chương trình Podcast nhẹ nhàng hơn vào cuối tuần, nhắm đến đối tượng người trẻ.

Mong muốn của chúng tôi là cái gì làm được là làm, và mỗi sản phẩm sẽ nhắm đến một đối tượng nhất định nhằm đa dạng nội dung của mình. Digital cho phép nội dung theo nhu cầu, cho phép mọi người lựa chọn nội dung nghe theo nhu cầu mà không cần chờ đến giờ cụ thể.

Chúng tôi mạnh dạn đưa nội dung chính thống lên Tiktok, có những nội dung gần với giới trẻ hơn, có những clip vài triệu view. Như vậy chứng tỏ là những nội dung chính thống khi biết cách làm phù hợp thì cũng đạt hiệu quả không khác gì nội dung có tính giải trí.

Nhà báo Hoàng Lâm – Trưởng ban Thư ký Toà soạn Báo Lao Động chia sẻ về phát triển báo chí đa kênh của báo Lao Động. Báo Lao Động năm nay đã 93 tuổi đời, từ lâu chúng tôi đã tìm cách thoát khỏi mác báo in, mày mò phát triển báo điện tử, làm video clip, dần dần phát triển Podcast, áp dụng AI, có fanpage. Tôi cho rằng đưa lên đâu không quá khó, với một cơ quan báo chí đưa cái gì lên mới quan trọng. Với truyền hình tôi đã nghĩ mình cần làm gì để khác biệt với VTV, với Truyền hình Nhân Dân.

dsc_8781.jpg
Nhà báo Hoàng Lâm.

Chúng tôi chọn truyền hình có tính tương tác. Gọi là tương tác nhưng bản chất là tạo một game ở nền tảng truyền hình. Chúng tôi làm chương trình giải đáp đề thi, đặc biệt giải đáp pháp luật giao thông đường bộ, thi bằng lái bằng cách bạn đọc có thể chọn các đáp án như một trò chơi rất nhẹ nhàng. Tôi nghĩ đây sẽ là hướng đi lâu dài bởi bạn đọc của Lao động quan tâm đến câu chuyện giải đáp chính sách liên quan đến người lao động. Khi chuyển hóa những vấn đề này sang trạng thái nhẹ nhàng hơn thì hiệu quả tác động sẽ tốt hơn.

Tiếp theo, nhà báo Nguyễn Bá dành câu hỏi cho nhà báo Vũ Xuân Trường, Tổng Biên tập Báo Phú Thọ: Trong quá trình phát triển đa kênh, đa nền tảng ở báo Phú Thọ có những khó khăn gì?

dsc_8800.jpg
Nhà báo Vũ Xuân Trường

Nhà báo Vũ Xuân Trường: Tôi xin khẳng định nền tảng mạng xã hội rất hiệu quả. Báo Phú Thọ đã thành lập 60 năm nhưng lượng xuất bản mỗi kỳ đạt 7 nghìn rưỡi tờ. Tiktok mới lập tháng 10/2021 đến nay đã có gần 300 nghìn người theo dõi, 1,9 triệu lượt thích và có những clip đạt 4 triệu người xem.

Tuy nhiên, chúng tôi rất khó khăn: Nhân lực mỏng, phóng viên báo điện tử kiêm nhiệm fanpage, làm phóng sự truyền hình lên tikto, podcast. Thêm vào đó, chúng tôi không đủ kinh phí để bổ sung nhân lực dù đã nghĩ nhiều cách để động viên anh em. Ngoài ra, chúng tôi còn khó khăn về công nghệ, các nội dung trên các nền tảng nếu có vấn đề bị hủy thì không có chỗ để lưu trữ.

ĐỌC THÊM